Nhân viên Marketing Online làm những gì? Người ta hay bảo mới học ra trường là chạy việc vặt, sai gì làm đó? Học đến 4 năm đại học ra mà sao làm gì mệt mỏi quá vậy? Thấy mấy anh làm Marketing ban dự án cả nghìn tỷ, sao hay vậy? Đây là những câu hỏi mà đa số các bạn sinh viên gặp phải khi bước chân vào nghề. Vậy nhân viên Marketing Online có phải là chạy việc vặt, sai gì làm đó hay không? Hãy đọc hết bài này và bạn sẽ có câu trả lời.
Theo tôi, cơ bản quá trình thăng tiến của 1 Online Marketer gồm 3 bước chính. Bao gồm: Trainee, Executive, Manager. Tùy theo trình độ, sự nỗ lực và hướng đi của bản thân mà bạn có thể đạt được từng cấp bậc với lượng thời gian khác nhau. Sau đây, tôi sẽ nói rõ về 3 nấc thang bạn có thể sẽ đi qua này.
I. Trainee
Thích hợp nhất là các bạn năm 3, 4 muốn tích lũy kinh nghiệm hoặc học việc. Hay các bạn đã đi học ở Trung tâm rồi nhưng cần có môi trường thực tế để trải nghiệm. Tuỳ vào tố chất và đam mê của các bạn mà có thể chọn lựa các nhóm công việc sau.
1. Hỗ Trợ Paid media
Bạn sẽ được hiểu về CPM, CPC, CPD, impressions, clicks, conversion. Bạn biết cách đọc số liệu của website qua Alexa, Google analytics, Comscore. Bạn biết cách liên hệ với forum, website, Google, facebook để đặt quảng cáo. Bạn biết cách đọc các report từ các hệ thống.
Nhưng đôi khi công việc của bạn chỉ là gọi điện liên hệ xin báo giá của website hay viết mail xin tiền kế toán để chạy Adwords, hay cò kè thêm bớt 1%, 2% commission. Đừng vội nản vì nó sẽ rèn cho bạn sự cẩn thận và chắc chắn khi làm việc.
Kiểu nhân viên Marketing Online này thích hợp cho các bạn cẩn thận, logic, thích số liệu và tính toán. Ngành học: IT, Finance, Marketing hoặc bất kể ngành nào cũng được. Vì cơ bản nó rất dễ, đừng có đọc số 5 thành số 6 hoặc tự ý thêm số 0 vào cuối là được. Vì nó liên quan đến TIỀN và SỐ LIỆU.
2. Content
Bạn sẽ được hiểu về cách tạo ra nội dung như thế nào cho thu hút. Có thể là 1 bài viết, 1 tấm hình hoặc 1 đoạn clip. Bạn sẽ hiểu thế nào là Hot blogger, Vlogger, Influencers và họ kiếm tiền triệu trên mỗi post bằng cách nào.
Nhưng đôi khi công việc của bạn chỉ là dịch 1 bài viết, copy & paste, photoshop 1 tấm hình hay quay 1 đoạn clip nhảm. Đừng vội nản vì nó sẽ rèn cho bạn sự sáng tạo và khả năng nắm bắt tâm lí người đọc.
Kiểu nhân viên Marketing Online này thích hợp cho các bạn thích viết lách, làm clip, chế hình, có óc sáng tạo khác người và cái duyên thu hút người khác. Ngành học: ngành gì cũng được hoặc thậm chí không cần Đại học. Nhưng nó rất khó, vì liên quan đến năng khiếu và cái duyên của mỗi người.
3. SEO
Bạn sẽ được hiểu về Search engine (Google), Ranking, Top, Traffic, Keywords. Bạn biết thế nào là Search friendly, biết Link-buildings, on-page, off-page. Bạn sẽ hiểu cách thu hút người dùng qua Search engine là như thế nào, tại sao có những website cùi mía bán bánh pía mà có thể kiếm cả chục triệu 1 tháng chỉ nhờ Google.
Nhưng đôi khi công việc của bạn chỉ là chăm sóc 1 blog, tạo nick trên hàng trăm forum, đặt link trên những website hỗn tạp. Đừng vội nản vì nó sẽ rèn cho bạn sự tỉ mẩn và tinh thần học hỏi cao độ.
Kiểu nhân viên Marketing Online này thích hợp cho các bạn thích tìm tòi, thử nghiệm và chịu khó Ngành học: IT, Business, Marketing, Nhân văn, Ngoại ngữ, Giao thông, Thuỷ lợi, Công đoàn, kế toán hoặc bất kể ngành nào cũng được. Vì cơ bản nó rất dễ, miễn bạn là người thích học hỏi và chăm chỉ cày bừa. Vì nó liên quan đến việc tạo NỘI DUNG và CHIA SẺ theo các quy tắc định sẵn.
II. Executive
Sau 2 – 3 tháng làm Trainee, bạn đã hiểu những kiến thức cơ bản và làm được các công việc đơn giản. Có thể bạn vẫn chưa hiểu Marketing, Communication là gì hay Digital thực chất là cái chi chi (nhiều người ở level cao hơn bạn thật ra còn chưa hiểu), nhưng bạn đã đủ nhận thức để hiểu đúng sai, nên và không nên. Đến lúc này bạn có đủ khả năng để bước lên vị trí Executive.
Những công việc dành cho Nhân viên Marketing Online cấp Executive vẫn giống với nhân viên Marketing Online cấp Trainee đã liệt kê ở trên. Nhưng yêu cầu công việc ở mức cao hơn. Có 3 sự khác biệt cơ bản:
1. Về vai trò
Executive không làm những task được giao sẵn nữa mà sẽ được giao trách nhiệm. Ngoài việc thành thục các task được học trong giai đoạn Trainee, bạn cần phải biết quản lí và phối hợp các kĩ năng để đạt hiệu quả.
Chẳng hạn Social media trainee thì biết soạn comment cho fan page hoặc tạo nick post bài trên forum. Đó là các tác vụ, chỉ cần làm theo hướng dẫn là xong. Còn Social media executive thì quản lí 1 fan page hoặc 1 topic. Đó là trách nhiệm, bạn có quyền đề xuất kế hoạch để hoàn thành công việc một cách tốt nhất.
2. Về kĩ năng
Executive phải làm tốt chuyên môn chứ không còn chỉ biết nữa. Ví dụ SEO executive phải có khả năng SEO được 1 project cụ thể chứ không phải ngồi đọc vanh vách “20 kĩ thuật SEO bá đạo” hay “Chiến lược link building siêu tốc” .
Executive cũng phải có khả năng đánh giá kết quả là tốt hay không tốt dựa trên ảnh hưởng thực tế chứ không phải dựa vào số liệu.
3. Về ảnh hưởng
Tôi đánh giá vai trò của Executive là cực kì quan trọng. Họ vừa là người chế biến Idea thành các content và nuôi sống nó trên Digital. Họ vừa cung cấp Material giúp các bộ phận khác tạo ra Idea.
Muốn tạo ra 1 Idea hay thì phải thực sự sống với người dùng trên các cộng đồng họ đang sinh hoạt. Những cái đó không ai có thể trả lời tốt hơn các bạn Executive. Bởi họ là người ăn, ngủ, sống với các cộng đồng. Và khi 1 Idea chưa đủ tốt thì một bạn Executive giỏi cũng có khả năng biến tấu để cho nó thú vị hơn khi triển khai thực tế.
III. Manager
Sau hơn 2 năm, 1 nhân viên Marketing Online có thể trở thành Manager nếu phát triển đúng hướng. Tốc độ thăng tiến như vậy là rất nhanh so với những ngành khác. Tưởng tượng ngày đầu mới chân ướt chân ráo lập nick forum. 2 năm sau đã đường hoàng ngồi với Brand manager để present về một social media campaign vài chục ngàn USD. Đó không hề là câu chuyện đem ra để động viên. Mà là sự thật, hãy lấy nó làm mục tiêu dành cho bạn khi xem Digital là 1 nghề nghiệp nghiêm túc. Ba vị trí Manager thường thấy như sau.
1. Social media manager/ Social media planner
Không khác mấy so với Paid media về nhiệm vụ. Nhưng Social media đòi hỏi sự thấu hiểu cao về người dùng hơn. Và đòi hỏi sự nhạy cảm, sáng tạo cao hơn để ra được những câu chuyện hay, những ý tưởng đủ sức viral.
Về phần quản lý, Social media manager là 1 vị trí rất dễ bị điên đầu. Bạn nào làm Forum seeding hay Crisis management sẽ hiểu. Tự dưng đến ngày báo cáo topic bị delete, gọi điện qua WTT xin trả tiền để mở cũng không được. Đó là những lúc muốn chui xuống đất trốn cũng không được.
Còn những lúc khác thì cuộc đời đẹp tươi lắm. Suốt ngày online facebook ngắm Ngọc Trinh, xem clip Bà Tưng và hùng hồn chém gió về toàn những thứ cao siêu.
2. SEO/SEM Manager
Bạn là hero, vì người ta đã lỡ gán cho SEO 1 thứ sức mạnh bao trùm mọi công cụ khác. Không bán được hàng, tìm đến SEO. Không có visit, tìm đến SEO. Bị chửi trên báo, tìm đến SEO để đẩy kết quả xấu đi chỗ khác.
Việc của bạn đầu tiên phải giải thích cho mọi người hiểu vai trò và giá trị của SEO/ SEM cũng như các tình huống có thể áp dụng. Kế đến là thuyết phục họ chấp nhận đầu tư lâu dài để thấy được hiệu quả. Tiếp theo là phải 1 mình chống Google. Và cuối cùng phải không ngừng nghiên cứu để tối ưu hoá công việc.
3. Content Planner/ Manager
Đây là 1 vị trí rất khó định nghĩa trong 1 Digital agency, nhưng ngày càng đóng vai trò quan trọng. Công việc chủ yếu là: tư vấn và viết nội dung cho các website, sáng tạo các câu chuyện trên Social để thu hút người đọc, hỗ trợ các team SEO, SEM, Email về mặt câu chữ.
Bạn phải hiểu Brand – những điều được và không được phép nói. Bạn phải hiểu người dùng – nói gì để họ thích, nói theo ngôn ngữ nào để phù hợp. Bạn phải hiểu Social – trào lưu, xu hướng, thói quen đọc ra sao. Bạn phải hiểu SEO/ SEM – hành vi tìm kiếm, cách viết bài theo chuẩn, cách đặt link & keywords. Bạn phải có óc hài hước, sáng tạo, cởi mở. Bạn phải viết giỏi. Bạn phải quản lí công việc rất tốt.
IV/ Kết Luận
Đọc hết bài này chắc hẳn bạn cũng có câu trả lời cho câu hỏi đầu bài rồi phải không? Tùy thuộc vào góc độ bạn nhìn sự việc cả thôi. Làm nhân viên không hẳn cứ là sai gì làm đó. Nếu bạn có đủ sự cầu tiến thì hẳn 1 ngày bạn cũng sẽ được quyền “sai gì làm đó” với mấy bạn mới thôi mà.
Ngành Marketing là 1 trong những ngành có tốc độ thăng tiến trong công việc nhanh nhất. Do đó, nếu bạn cố nỗ lực học tập và rèn luyện thì khả năng đạt được thành tựu bản thân mong muốn là rất cao. Nếu bạn rất thích ngành này nhưng còn chưa có định hướng thì hãy đến thực tập tại Học viện MOA thử xem sao. Tôi đã từng trải nghiệm ở môi trường ấy và cảm nghĩ về nó là rất hài lòng. Chúc bạn thành công với con đường và mục tiêu đã lựa chọn.
Hy vọng những kiến thức trên sẽ giúp bạn có cái nhìn cơ bản về những công việc 1 Nhân viên Marketing Online sẽ làm. Nếu bạn còn muốn tìm hiểu kiến thức về mảng Marketing Online thì hãy click vào link bên dưới để đọc những bài viết khác:
https://cachbanhangonline.com.vn/marketing-online-gom-nhung-gi/
